Cô giáo sáng tạo ra chiếc bảng check-in cảm xúc giúp học sinh thoát khỏi stress và tự tử
BY Như Chip Học để sống chứ không phải để chết. Đừng tạo áp lực, hãy tìm động lực cho con. Lời kêu cứu về nạn trầm cảm, tự tử học đường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi nó trở thành nỗi đau giữa lòng một xã hội văn minh, hiện đại.Hiểu rõ điều đó, một cô giáo ở Mỹ đã sáng tạo ra chiếc bảng check-in cảm xúc để giúp học sinh được bày tỏ tiếng lòng.
Trầm cảm hiện là căn bệnh tiềm ẩn nhiều hệ lụy thuộc hàng top, gây hại đến sức khỏe lẫn tinh thần của con người. Lo âu, trầm cảm không chỉ xảy đến với người lớn, những đứa trẻ vốn hay được phụ huynh mặc định là “chưa hiểu sự đời” hay “biết gì mà nói” cũng đối mặt với những triệu chứng tâm lý như căng thẳng, áp lực, khủng hoảng… Nếu ai cũng im lặng thì cái kết sẽ không lường trước được, mà phần lớn những cơn “stress” không được giải toả sẽ dẫn đến hành động sống khép mình, thậm chí là tự tử.
Không làm ngơ trước tình trạng đáng báo động này, cô
Erin Castillo - một giáo viên phổ thông tại bang
California (Mỹ) đã nghĩ ra ý tưởng làm tấm bảng check-in cảm xúc, tạm gọi là “Mental Health” để nắm bắt tâm tư tình cảm của các em học sinh.

Chiếc bảng check-in cảm xúc được dán ngay trước cửa lớp.
Như một cách lắng nghe, đồng hành và “làm bạn” với học sinh, không để các em cảm thấy cô đơn, cô
Erin đã ghi lên tấm bảng các mức độ cảm xúc từ hạnh phúc đến buồn khổ như “rất tuyệt”, “tôi ổn”, “bình thường”, “đang chật vật”, “tôi đang ở một nơi thật sự tăm tối”… Trước giờ vào học, mỗi học sinh sẽ ghi tên vào mặt sau tờ giấy ghi chú rồi dán lên phần trạng thái “đồng điệu” với cảm xúc hiện tại của bản thân.

Cô Erin Castillo chia sẻ rằng nhờ đọc tên phía sau tờ giấy, cô sẽ hiểu được học sinh nào đang cần sự giúp đỡ.
Ý tưởng thú vị và nhân văn này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ đông đảo cư dân mạng. Nhiều giáo viên đã mạnh dạn học hỏi và áp dụng cách làm tuyệt vời này ở chính môi trường giảng dạy của họ.




Thay vì chờ đợi một kết quả “đao to búa lớn” chưa biết đến khi nào mới thành sự thật, sao mỗi phụ huynh, mỗi thầy cô không thử tự tìm cách “cởi trói” cho con trẻ khỏi những căng thẳng. Áp lực chỉ có giá trị cho những ai biết biến nó thành động lực, nhưng sẽ là “mồ chôn” khi nó là gánh nặng.