ĐANG NÓNGMỚI NHẤT
Chìa khóa để giải quyết hàng tỉ tấn rác nhựa trên Trái đất đã được phát hiện   BY Daisy
Câu chuyện xảy ra khi Federica Bertocchin - một giáo sư và cũng là một người nuôi ong - tình cờ phát hiện ra một loài sâu có khả năng “ăn được” nhựa theo đúng nghĩa đen.
Loài sâu ấy được gọi tên là sâu sáp bởi vì chúng sống ký sinh trong các tổ ong và thường xuyên ăn sáp do ong tạo ra. Khi Federica Bertocchin tình cờ bắt một mớ sâu sáp bỏ vào túi nylon thì bà nhận ra ít lâu sau túi nylon đó xuất hiện những lỗ nhỏ. Bà cùng với 2 cộng sự của mình đã bắt 100 con sâu để nghiên cứu
Họ đặt những con sâu vào túi nhựa rồi bắt đầu theo dõi. Sau khoảng 40 phút, những chiếc lỗ nhỏ xíu bắt đầu xuất hiện. Sau 12 giờ đồng hồng, chiếc túi giảm đi 92mg.
Họ cũng cẩn thận lấy dịch chiết từ thân thể những con sâu để bôi lên túi nhựa và chiếc túi cũng bị thủng lỗ tương tự. Điều này chứng minh được trong cơ thể loài sâu này thực sự có chứa một loại enzyme làm phân hủy nhựa - vốn là thứ có thành phần polymer tương tự như sáp ong mà loài sâu này khoái khẩu.
Như vậy bước đầu các nhà khoa học đã tìm ra “kẻ ăn nhựa” lợi hại, có lẽ bước tiếp theo họ sẽ nghiên cứu cách ứng dụng vào cuộc sống thế nào và liệu việc nhân giống loài sâu này có làm ảnh hưởng tiệu cực đến hệ sinh thái hay không.
Trái đất hiện nay đang ở trong tình trạng quá tải rác thải nhựa. Mỗi một phút trôi qua, Thế giới sử dụng hết 2 triệu túi nhựa, nylon. Vì nhựa rất khó phân hủy nên vấn nạn xử lý rác thải nhựa là một thách thức lớn của cư dân toàn cầu. Nhiều nước đã ban lệnh cấm hẳn sử dụng ống hút và hạn chế hết mức lượng túi nhựa trong mua bán nhưng ở những nơi khác tình hình sử dụng đồ nhựa vẫn không kiểm soát được, trong đó Việt Nam thuộc top đầu xả rác thải nhựa ra môi trường.
Ngày hôm nay chúng ta nên hạn chế hết sức việc tiêu thụ đồ nhựa để giảm tải áp lực cho môi trường. Hãy dùng túi vải khi đi mua sắm, mang theo ly cốc của mình khi mua đồ uống mang đi, dùng ống hút thiên nhiên thay vì ống hút nhựa và phân loại rác thải trong từng hộ gia đình. Làm được những việc đó là bạn đã góp phần “cứu sống” môi trường.